Tin tức

Đề xuất giải pháp kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động CTTC

19/07/23

Tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển CTTC ở Việt Nam” do Hiệp hội CTTC Việt Nam và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (BSL) đã có bài trình bày về thị trường cho thuê tài chính (CTTC) tại Việt Nam và đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động này.

Thị trường CTTC tại Việt nam

Mặc dù đã xuất hiện tại Việt nam 30 năm qua nhưng dịch vụ CTTC vẫn chưa được các doanh nghiệp biết tới và sử dụng, quy mô thị trường còn rất nhỏ bé so với tiềm năng cũng như nhu cầu của doanh nghiệp. Đến hết năm 2022, tổng quy mô dư nợ CTTC chỉ ở mức rất khiêm tốn là  xấp xỉ 40.000 tỷ đồng,  xấp xỉ 0,33% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này chỉ khoảng 0,4% tổng số doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thiều Sơn, TGĐ BSL

Ông Nguyễn Thiều Sơn, TGĐ BSL


Như vậy, CTTC chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại. Số lượng công ty CTTC còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu của Doanh nghiệp.

Trong khi đó, trên toàn cầu doanh số thuê liên tục tăng trưởng và đạt mức khoảng 1.900 tỷ USD vào năm 2022 với mức tăng 9,1% so với năm 2021.

Những khó khăn về tổ chức và hoạt động

Thị trường CTTC phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của doanh nghiệp có nhiều lý do như tâm lý, văn hóa và tập quán kinh doanh; do công tác truyền thông, phổ biến chưa được tốt…

Nhưng theo ý kiến từ BSL, một nguyên nhân khá quan trọng đó là nhưng vướng mắc về quy định pháp lý cũng là rào cản cho phát triển thị trường này.

Những vướng mắc, hạn chế về pháp lý đến từ những quy định liên quan đến tổ chức của công ty như theo Điều 34 Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD), các công ty CTTC không được bổ nhiệm người quản lý của ngân hàng mẹ giữ vị trí quản lý tại công ty nên chưa tạo thuận lợi cho các công ty triển khai các chiến lược kinh doanh mạnh mẽ theo định hướng chung của Ngân hàng mẹ. Cùng với đó, Luật các TCTD hiện tại cũng chưa cho phép công ty CTTC được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức cũng hạn chế các công ty CTTC mở rộng hoạt động trong chuỗi giá trị của dịch vụ thuê tài chính…

Đặc biệt là các vướng mắc và hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ CTTC nằm ở cả Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật (Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư 30/2015/TT-NHNN) như một số hoạt động chưa được phép gồm cung ứng dịch vụ tín dụng khác như bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá, công ty CTTC cũng không được vay từ 1 năm trở lên tại các tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng mẹ), các quy định về tài sản được cho thuê còn chưa cởi mở, phù hợp với bối cảnh mới, các quy định về điều kiện cho thuê chi tiết và chặt chẽ…Bên cạnh đó, các quy định về thuế GTGT cũng còn nhiều vướng mắc như thuế GTGT đối với doanh nghiệp trong khu chế xuất, thuế GTGT đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn/giảm thuế GTGT khi đi thuê tài chính…cùng với những vướng mắc về thuế, phí, đăng ký phương tiện vận tải khi thực hiện thuê tài chính…

Có thể nói, chưa có chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ này và trong thực tiễn còn nhiều văn bản quy định rời rạc, chưa nhất quán dẫn đến những vướng mắc trong quá trình các công ty CTTC cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Công tác tuyên truyền, đào tạo và phổ biến về loại hình dịch vụ này cũng chưa được quan tâm đẫn đến doanh nghiệp và người dân cũng chưa nhiều biết đến kênh CTTC, điều này đòi hỏi các công ty CTTC cần phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá và giới thiệu về sản phẩm của mình đến khách hàng tiềm năng.

Đề xuất giải pháp

Ông Nguyễn Thiều Sơn đề xuất rà soát và sửa đổi các quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động CTTC, bao gồm Luật Các TCTD, Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư 30/2015/TT-NHNN và các quy định khác, nhằm đảm bảo nhất quán và tạo cơ sở cho các công ty CTTC thực hiện nghiệp vụ một cách an toàn và hiệu quả.

Ông mong muốn và đề nghị NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng khác xây dựng hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ. Ngoài ra, ông cũng đề xuất rà soát Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP và đưa ra các chế tài đối với việc xử lý tài sản thuê tài chính tương đương hoặc cao hơn cả tài sản đảm bảo. Ông cũng nhấn mạnh về việc sửa đổi các quy định về thuế GTGT và các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động CTTC và đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính.

Theo Hiệp hội CTTC Việt Nam, hành lang pháp lý cho lĩnh vực CTTC dần được hoàn thiện, bao gồm Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện có 10 công ty CTTC tại Việt Nam, dư nợ cung cấp cho khách hàng đạt gần 40 ngàn tỷ đồng cho toàn nền kinh tế (tổng hợp từ 8/10 công ty CTTC). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 1%. Khách hàng không cần thế chấp tài sản khi đi thuê tài chính, và giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản.

Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ vốn để đầu tư vào máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và dây chuyền sản xuất thông qua kênh CTTC. Một số công ty CTTC còn cung cấp cho vay bổ sung vốn lưu động cho khách hàng thuê tài chính.