Tin tức

GIẢI PHÁP NÀO HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN CHO DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH MỚI?

12/05/21

Ngày 7/5 tại Hà Nội, Công ty Cho thuê tài chính BIDV-SuMi TRUST (BSL) vinh dự được đồng hành cùng các doanh nghiệp tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) tổ chức. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia kinh tế và thành viên của VEC trên khắp cả nước.

Huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang có tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Dẫn kết quả khảo sát của VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI – phát biểu tại Hội thảo

Nói đến nguồn vốn cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường nghĩ đầu tiên (top-of-mind) đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi doanh nghiệp còn có thể huy động được rất nhiều nguồn vốn khác ngoài vốn ngân hàng. Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch VEC – cho rằng cơ cấu cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý ở chỗ nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch VEC – phát biểu tại Hội thảo

Phân tích về những xu hướng mới để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch VEC đánh giá rất cao về hệ thống tiền mã hóa, mô hình các công ty fintech, hay huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) đã và đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, cho rằng, có sáu nguồn vốn (nguồn lực) dành cho doanh nghiệp bao gồm: nguồn ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, miễn/giảm thuế), nguồn vốn nước ngoài (ODA, vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phần, v.v…), nguồn vốn từ đối tác kinh doanh (trả chậm, tín dụng thương mại), huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, v.v…), nguồn vốn tín dụng (ngân hàng, tài trợ chuỗi cung ứng, THUÊ TÀI CHÍNH), và cuối cùng là nguồn vốn tự có / vốn góp.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – tham luật tại Hội thảo

Thuê tài chính là kênh huy động nguồn lực (nguồn vốn) phổ biến và hiệu quả cho các doanh nghiệp từ lâu trên thế giới, và tại Việt Nam, THUÊ TÀI CHÍNH cũng đã ra đời từ những năm cuối thế kỷ 20 nhưng đến nay vẫn còn ít doanh nghiệp biết tới. Tỷ trọng của thuê tài chính trong tổng dư nợ tín dụng trung dài hạn của Việt nam mới ở mức dưới 1%. Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Tổng Giám Đốc Công ty BSL đã nhấn mạnh tại Hội thảo “thuê tài chính giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư ban đầu đối với các khoản đầu tư lớn về máy móc thiết bị sản xuất kinh doanh mà lại không phải thế chấp tài sản. Thuê tài chính không những giúp các doanh nghiệp có được máy móc thiết bị cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh mà còn có thể giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn lưu động bằng cách bán cho công ty cho thuê tài chính các tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu rồi thuê lại chính tài sản đó và trả dần trong tương lai”.

Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Tổng Giám đốc Công ty BSL phát biểu tại Hội thảo

Nằm trong khuôn khổ các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt là doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, BSL hiện tại đang cung cấp nhiều chương trình cho thuê lãi suất ưu đãi, và tỷ lệ tài trợ đến 100% giá trị tài sản đối với các tài sản mới.