Tin tức

BSL tổ chức Lớp học tài chính cá nhân cho trẻ

02/12/24

Hưởng ứng “Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025” cũng như nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ban lãnh đạo và các thành viên trong công ty, trong tháng 11, Ban Kế hoạch chiến lược và Ban Pháp chế của Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (BSL) đã phối hợp tổ chức lớp học “Tài chính cá nhân” cho các bạn nhỏ là con em cán bộ nhân viên của BSL với mong muốn mang đến những kiến thức về tài chính từ đó giúp các em hình thành kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

“Lớp học tài chính cá nhân cho trẻ” thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ

Hiểu đúng về “Tiền”

Mở đầu lớp học, thầy giáo Hà Duyên Tùng Dương – Chuyên viên cấp cao Ban Kế hoạch chiến lược có câu hỏi nhỏ cho các học viên nhí: “Các bạn đã dùng tiền lì xì để làm gì?” và nhận được rất nhiều câu trả lời từ các bạn nhỏ, bạn mua đồ chơi, bạn mua đồ dùng học tập, bạn gửi mẹ đi chợ, bạn bỏ heo tiết kiệm, v.v. Từ câu hỏi khởi động và thông qua video hoạt hình ngắn, thầy giáo đã giúp các bé hiểu được khái niệm về tiền, tại sao cần có tiền, các hình thái của tiền một cách sinh động, đơn giản và dễ hiểu.

Sau khi đã hiểu được định nghĩa về tiền, các học viên nhí được học cách phân biệt khái niệm “cần” và “muốn” và “cân nhắc lựa chọn” thông qua các câu hỏi tình huống và trò chơi mua sắm khi các bạn nhỏ được nhận một số tiền giấy tượng trưng để mua đồ tại “Siêu thị BSL”. Đứng trước rất nhiều lựa chọn từ đồ dùng học tập đến các đồ chơi giải trí, bạn Dung Anh (9 tuổi) chia sẻ: “Với 650 đồng được phát, con dùng 250 đồng mua bút, 200 đồng mua sổ, là những món đồ “cần” để cho việc học tập. 200 đồng còn lại con mua 2 món đồ chơi nhỏ là những món đồ “muốn” để cho việc vui chơi giải trí ạ.”.

Kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm

Đến tiết học lập kế hoạch chi tiêu, thầy giáo chia lớp học thành hai nhóm nhỏ để cùng nhau thảo luận, lên kế hoạch chi tiêu cho việc ăn uống của hai người trong hai ngày bố mẹ vắng nhà với số tiền 200,000 đồng. Thầy giáo và các cha mẹ đã rất bất ngờ vì hai nhóm đã có kế hoạch chi tiêu vô cùng hợp lý đảm bảo cho các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mà vẫn để lại một khoản tiền nhỏ để tiết kiệm.

Các nhóm thảo luận về kế hoạch chi tiêu

Cuối buổi học, các bạn được chia thành nhóm và thực hiện hoạt động phân chia 10 hạt đậu vào 6 hũ chi tiêu giả định. Mỗi nhóm đưa ra những cách phân bổ khác nhau, có nhóm ưu tiên sinh hoạt, có nhóm lại tập trung tiết kiệm. Bạn Ngọc Quyên đại diện nhóm mình chia sẻ: ‘Để dành được 3 hạt đậu cho sinh hoạt, nhóm em đã hạn chế chi tiêu cho các hoạt động không cần thiết như giải trí hay mua sắm cá nhân. Thay vào đó, em cùng các bạn sẽ đi chơi với bạn bè mà không mất tiền, quyên góp quần áo cũ và chi tiêu vừa đủ cho các nhu cầu thiết yếu. Số hạt đậu còn lại, nhóm em sẽ tiết kiệm để phòng khi ốm đau’.

Đại diện các nhóm trình bày về kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm của nhóm mình

Quản lý tài chính cá nhân – Kỹ năng không chỉ dành cho người lớn

“Trước đây các bậc phụ huynh thường có suy nghĩ trẻ con chưa hiểu gì về tiền nên cũng chưa cho các con tiếp xúc nhiều với tiền. Khi xã hội phát triển, thông qua internet, các con cũng có cơ hội tiếp xúc về các vấn đề liên quan đến tiền và các vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân. Tuy nhiên, các kiến thức trên mạng có thể sai lệch và cha mẹ cũng không thể kiểm soát được nên cho con tham gia lớp học quản lý tài chính cá nhân thật sự rất bổ ích. Các con được hiểu khái niệm về tiền, các hình thái của tiền tệ cũng như làm quen về việc quản lý chi tiêu, tiết kiệm từ đó hình thành các kỹ năng về cách quản lý tiền bạc và tài sản cá nhân, biết ra quyết định thông minh và thực hiện kế hoạch nghiêm túc. Không chỉ có các con được chơi mà học, bản thân các bậc phụ huynh cũng được “bỏ túi” những kinh nghiệm đáng quý để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo lấy tiền.” Chị My –  phụ huynh bạn Tâm An (12 tuổi) chia sẻ.

Lớp học “Tài chính cá nhân cho trẻ” được tổ chức với mong muốn mang đến những kiến thức về tài chính, để trang bị nền tảng chắc chắn hơn cho các bạn nhỏ trong việc quản lý tài chính cá nhân từ đó hình thành những thói quen tốt như chi tiêu hợp lý, biết tiết kiệm, đầu tư và quý trọng giá trị sức lao động.

Thảo Nguyên