Không yêu cầu tài sản bảo đảm
Theo đánh giá của bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. VCCI cũng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đa dạng các nguồn vốn. Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV gặp phải là vấn đề tiếp cận vốn và tiếp cận thị trường.
Điển hình như một số DNNVV hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có nhu cầu vốn phục vụ sản xuất thường xuyên, tuy nhiên, hạn mức mà các ngân hàng thương mại cấp cho các doanh nghiệp này chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp và trong nhiều trường hợp sẽ không đủ so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa, thủ tục vay vốn từ ngân hàng đôi khi kéo dài và khó thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ, ngành may mặc cần một nguồn vốn lớn cho những đơn hàng gia công, xuất khẩu. Trong khi đó, DNNVV đã sử dụng hết các tài sản thế chấp để cấp hạn mức tại ngân hàng nên việc tìm kiếm thêm nguồn huy động vốn khác ngoài ngân hàng là rất cấp thiết đối với họ.
Sự xuất hiện của hình thức cho thuê tài chính đáp ứng yêu cầu này. Cho thuê tài chính là một hình thức cấp tín dụng trung hạn và dài hạn nhằm mục đích đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, các phương tiện vận chuyển phục vụ SXKD. Theo đó, công ty cho thuê tài chính sẽ mua máy móc, thiết bị, tài sản từ nhà cung cấp theo yêu cầu và lựa chọn của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ được thuê lại tài sản này để sử dụng cho mục đích SXKD. Hằng tháng, doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh toán tiền thuê tài sản định kỳ bao gồm vốn gốc và lãi theo dư nợ giảm dần. Sau khi kết thúc thời hạn thuê, công ty cho thuê tài chính sẽ chuyển giao quyền sở hữu máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tho, Kế toán trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Nghĩa (hoạt động trong lĩnh vực may mặc, dệt may tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết đến công ty cho thuê tài chính, chúng tôi cảm thấy rất phù hợp vì được vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm, điều mà những DNNVV đang gặp phải. Tiếp xúc với kênh tài chính này, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi công ty cho thuê tài chính hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Chúng tôi được cấp nguồn tín dụng nhanh chóng, hỗ trợ tốt cho đầu tư tài sản, mở rộng SXKD. Hơn nữa, các khoản tài trợ cho thuê tài chính này lại có điều kiện tốt như lãi suất hợp lý, tỷ lệ tài trợ cao và đặc biệt linh hoạt đáp ứng nhu cầu tín dụng trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, do dịch vụ cho thuê tài chính không yêu cầu thế chấp tài sản bảo đảm nên không ảnh hưởng đến hạn mức ngân hàng mà chúng tôi đã được cấp, có thể kết hợp để tạo nguồn tài chính mạnh hơn cho doanh nghiệp”.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần In Khoa học Kỹ thuật cho hay: “Ngành nghề của chúng tôi có đặc thù sử dụng máy móc, thiết bị là chủ yếu. Khả năng tiếp cận vốn để đầu tư, tái sản xuất luôn là bài toán đau đầu của doanh nghiệp. Thủ tục vay vốn ngân hàng đôi khi kéo dài và khó thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ SXKD của Công ty, không dễ để ngân hàng chấp nhận tài sản bảo đảm là máy móc, thiết bị (hoặc nếu có thì định giá rất thấp)”.
Ông Sơn đã tìm hiểu về các công ty cho thuê tài chính và lựa chọn được công ty BSL là đối tác đồng hành cung cấp dịch vụ. Nhờ vậy, với việc đầu tư máy in cuộn, công ty cho thuê tài chính đã hỗ trợ giải ngân ở mức 80% giá trị tài sản, giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn. Theo đánh giá của ông Sơn, lãi suất hợp lý, tỷ lệ tài trợ cao, thủ tục nhanh gọn, thẩm định chuẩn, triển khai linh hoạt, tối ưu thời gian đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Nhờ nguồn lực tài chính hỗ trợ kịp thời, hiện nay, Công ty Cổ phần In Khoa học Kỹ thuật bắt đầu mở rộng dây chuyền sản xuất in cuộn tại địa điểm mới, với tổng tài sản giá trị đầu tư lên tới 2 triệu USD.
Kết hợp linh hoạt các nguồn vốn
Ông Hoàng Văn Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cho thuê tài chính BIDV-SuMi TRUST (BSL) phân tích: “Một trong những lợi ích từ thuê tài chính giúp tháo gỡ khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận vốn, đó là không yêu cầu tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, các tài sản thuê tài chính như máy móc, thiết bị thường có tỷ lệ tài trợ cao hơn so với khi đi vay ngân hàng. Thủ tục thuê tài sản đơn giản, thuận tiện, không ảnh hưởng tới hạn mức tại ngân hàng… Với những lợi ích đó, thuê tài chính được coi là một kênh tài trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp có tài sản, hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn khi đã hết hạn mức tín dụng ngân hàng thì hình thức “bán và thuê lại” của các công ty cho thuê tài chính là một giải pháp tối ưu”.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên các chính sách hỗ trợ, các nguồn vốn có thể huy động ngoài việc vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, dùng vốn tự có của chính doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ngoài ra, việc kết hợp nguồn tín dụng từ ngân hàng và nguồn vốn từ các công ty cho thuê tài chính sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng tài chính vững vàng, có thêm cơ hội đầu tư, mở rộng SXKD… Doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng nguồn vốn thuê tài chính (mang tính trung hạn, dài hạn) cho hoạt động sản xuất và vốn ngân hàng (mang tính ngắn hạn) cho nhu cầu vốn lưu động, phục vụ kinh doanh, đầu tư…
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, phân tích: “Doanh nghiệp trong nước, nhất là các DNNVV chưa huy động và phát huy hiệu quả các kênh huy động tài chính từ thị trường chứng khoán, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DNNVV và nhiều kênh huy động khác. Hiện nay, trên thị trường có 16 công ty tài chính, 10 công ty cho thuê tài chính, gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vĩ mô, tuy nhiên quy mô hoạt động còn nhỏ”.
Nhằm tăng cường nguồn vốn cho DNNVV, TS Cấn Văn Lực đề xuất: “Đối với cơ quan quản lý, cần hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (nhất là cho thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng…); đẩy mạnh giáo dục tài chính cho doanh nghiệp; nâng cao và phát triển hiệu quả thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư và quỹ phát triển DNNVV. Đối với các doanh nghiệp, cần tăng năng lực cạnh tranh để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính-kế toán nhằm nâng cao trình độ quản trị, tăng tính minh bạch thông tin; đa dạng hóa nguồn vốn; chuyển đổi xanh; chuyển đổi số và phấn đấu niêm yết, phát hành chứng khoán”.