Tin tức
- Chia sẻ
- Thuê tài chính: Gỡ khó tiếp cận vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp
Thuê tài chính: Gỡ khó tiếp cận vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp
Đây là chia sẻ của ông Cấn Văn Lực – cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, kiêm Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV, với phóng viên TBTCVN.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường cho thuê tài chính (CTTC) ở Việt Nam hiện nay?
Ông Cấn Văn Lực: Cho thuê tài chính (CTTC) không phải là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên thời gian qua, lĩnh vực này cũng chưa thực sự phát triển nhanh và mạnh như kỳ vọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có 11 công ty CTTC, gồm 7 công ty Việt Nam, 1 công ty liên doanh và 3 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Về quy mô hoạt động của các công ty CTTC còn khá hạn chế. Hiện tổng dư nợ CTTC khoảng 90.000 tỷ đồng – một quy mô tương đối nhỏ so với quy mô của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Chính vì quy mô thị trường CTTC tại Việt Nam còn khá nhỏ bé, nên đây đồng thời cũng là tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn của thị trường CTTC trong thời gian tới.
PV: Thực trạng thị trường CTTC phát triển còn hạn chế nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Cấn Văn Lực: Thị trường CTTC ở Việt Nam phát triển còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:
Về mặt khách quan, thể chế, môi trường pháp lý cho lĩnh vực CTTC vẫn chưa thực sự hoàn thiện, nên chưa thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình này. Cụ thể, về nguồn vốn, theo quy định của Luật Các TCTD, công ty CTTC chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức để bổ sung vào nguồn vốn của mình, còn việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn từ các tổ chức thì chưa được thực hiện. Do vậy, nguồn vốn chủ yếu của các công ty CTTC phải dựa vào ngân hàng (NH) mẹ hoặc thị trường vốn liên NH. Đây là vấn đề mà các công ty CTTC chưa có biện pháp khắc phục khả thi.
Thứ hai, về phí hoạt động, hoạt động CTTC là việc cấp tín dụng trung và dài hạn. Các thủ tục để cho thuê cũng tương tự như cho vay của NH thương mại (NHTM), trong khi đó, NHTM được thu các loại phí liên quan đến hoạt động cho vay, song CTTC thì ngoài phí thu xếp cho vay hợp vốn, không được thu phí nào khác. Đây là vấn đề cũng làm hạn chế hoạt động CTTC.
Thứ ba, về chính sách khuyến khích, CTTC cũng là một hình thức tín dụng như tín dụng trung, dài hạn của NH, nhưng trong thời gian qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước lại chỉ áp dụng cho các DN sử dụng nguồn vốn tín dụng trung dài hạn của các NHTM để đầu tư thiết bị phục vụ kinh doanh; còn nếu thực hiện thông qua hình thức CTTC thì các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN lại không được áp dụng. Điều này đã tạo nên một “sân chơi” chưa công bằng và giảm đi lợi thế cạnh tranh của loại hình dịch vụ CTTC trên thị trường. Ngoài ra, đa phần hệ thống văn bản pháp luật chỉ tập trung điều chỉnh hoạt động của NH, quy định pháp luật trong hoạt động thu hồi và xử lý tài sản CTTC chưa chặt chẽ nên không đủ tính răn đe, dẫn đến tâm lý bên thuê “chây ỳ”, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho công ty CTTC hoặc có biểu hiện chiếm dụng tài sản thuê tài chính… làm ảnh hưởng đến tính an toàn hoạt động của các công ty CTTC…
Về mặt chủ quan, các công ty CTTC vẫn còn hạn chế trong hoạt động marketing, quảng bá nên mức độ hiểu biết của DN về sản phẩm CTTC còn ít.
PV: So với vay vốn NH, việc tiếp cận tín dụng thông qua CTTC có những ưu điểm gì, thưa ông?
Ông Cấn Văn Lực: Một số ưu thế cơ bản của CTTC có thể kể đến, trước hết là không cần thế chấp. Trong phần lớn các trường hợp giao dịch CTTC không yêu cầu bên thuê phải có tài sản thế chấp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi DN cần máy móc, thiết bị hiện đại (thường có giá trị lớn) họ phải đầu tư ngay một số vốn trung, dài hạn lớn để mua sắm. Đó có thể là vấn đề nan giải đối với nhiều DN nhất là những DN vừa và nhỏ, mà nếu đi vay ở các TCTD, DN sẽ gặp nhiều khó khăn về tài sản thế chấp, kéo theo đó là đủ các điều kiện phức tạp và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của họ. Còn với giao dịch CTTC, thì DN không cần chi ra một khoản tiền lớn ngay một lúc mà chỉ cần trả tiền thuê theo món nhỏ cho từng thời kỳ thỏa thuận.
Bên cạnh đó, CTTC là một phương thức tài trợ đáp ứng tỷ lệ vốn cao hơn bất kỳ các phương thức tài trợ tín dụng nào khác. Thông thường, với các hình thức cho vay trung, dài hạn của các TCTD thì họ chỉ tài trợ 60 – 70% tổng giá trị thiết bị, DN thường phải có 30 – 40% vốn tự có tham gia vào dự án. Trong khi đó với CTTC, DN có thể được tài trợ đến 100% tiền vay mà không cần thế chấp hay đòi hỏi phải có vốn tự có trong tổng giá trị dự án.
Ngoài ra, CTTC là một phương thức tài trợ vốn linh hoạt. DN có khả năng tối đa trong việc lựa chọn đổi mới thiết bị, hoặc thuê tiếp/trả lại tài sản thiết bị khi kết thúc hợp đồng…
PV: Với những lợi ích trên, theo ông, cần những giải pháp như thế nào để thúc đẩy thị trường CTTC Việt Nam phát triển, biến loại hình này thành kênh tài trợ vốn trung, dài hạn hữu hiệu cho DN?
Ông Cấn Văn Lực: Trước hết, về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động CTTC nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của các công ty CTTC. Chẳng hạn như, xem xét mở rộng phạm vi huy động vốn của các công ty CTTC, tạo điều kiện cho các công ty CTTC có khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Hay mở rộng đối tượng tài sản CTTC, ngoài quy định hiện nay chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản là động sản, thì có thể mở rộng ra các đối tượng khác như bất động sản…
Về phía các công ty CTTC, cần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cải tiến thủ tục hồ sơ, thiết kế sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng… Đồng thời, các công ty này cần tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nhiều DN biết đến loại hình CTTC. Bên cạnh đó, cần hợp tác với các nhà cung cấp máy móc thiết bị, tài sản trong và ngoài nước để xây dựng chuỗi bán hàng khép kín từ bên bán hàng, bên mua hàng (bên thuê) và bên tài trợ vốn (công ty CTTC)…
Đối với DN, vì CTTC không yêu cầu tài sản đảm bảo, nên DN phải tăng cường tính minh bạch hóa thông tin mới có thể được các CTTC xem xét cho thuê, cũng như có thể được hưởng lãi suất ở mức thấp hơn…
PV: Xin cảm ơn ông!